Nuốt khó là triệu chứng thường gặp nhất, lúc đầu thường thấy nuốt khó nhưng không đau, về sau nuốt khó kèm theo đau, lúc đầu khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy khó và đau.
Chảy nước bọt thường kèm hơi thở hôi, ợ hơi và sặc.
Đau đôi khi biểu hiện dưới dạng khó chịu khi ăn. Khi ung thư lan ra xung quanh, có cảm giác đau ngực.
Gầy sút là triệu chứng quan trọng do chán ăn và khó nuốt. Do không nuốt được nên bệnh nhân có tình trạng mất nước, suy kiệt.
Thiếu máu thường là nhẹ và hay xảy ra chậm nhưng đôi khi có dấu chảy máu rõ gây thiếu máu cấp, nhất là trong trường hợp ung thư ăn vào động mạch chủ có thể gây chảy máu vào thực quản gây chết đột ngột.
Các triệu chứng khác có thể gặp song hành với sự phát triển của khối u như cảm giác vướng, tức nặng, đau âm ỉ đè nén sau xương ức... Về sau, tùy theo ảnh hưởng của khối u tới các cơ quan lân cận có thể gặp thêm các triệu chứng khó thở, khàn giọng, ho khan, khạc đờm; đau thượng vị, buồn nôn, nôn, nấc...
Làm gì để chẩn đoán ung thư thực quản?
Việc chẩn đoán sớm liên quan với việc khám sức khỏe định kỳ sàng lọc ở các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, người bị béo phì, có bệnh lý thực quản từ trước... Khi có bất kể dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới thầy thuốc chuyên khoa để được khám và chẩn đoán sớm. Nội soi kết hợp với sinh thiết, siêu âm là một biện pháp tốt để chẩn đoán sớm và chính xác.
Điều trị và dự phòng
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, dựa vào bản chất, giai đoạn phát triển của khối u và tình trạng toàn thân để quyết đinh phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay có 3 biện pháp chủ yếu được dùng để điều trị là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong đó phẫu thuật là biện pháp điều trị chính, có thể phẫu thuật kết hợp với điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ. Ngoài ra cần điều trị nâng đỡ cơ thể bằng các biện pháp nuôi dưỡng phù hợp, điều trị triệu chứng, làm giảm các phản ứng phụ do điều trị hóa chất và tia xạ.
Để dự phòng cần tránh các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc lá, giảm uống rượu, tránh các thực phẩm có hại, kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý thực quản. Tăng cường các yếu tố bảo vệ bằng cách ăn nhiều rau quả và các chất xơ, bổ sung các vitamin và yếu tố vi lượng cần thiết đặc biệt là vitamin A, B2, C, E, selen. Một số thực phẩm nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa như các loại ngũ cốc, trà, quả mâm xôi đen, các loại rau có màu xanh, màu vàng đặc biệt là các loại rau như cải xoăn, bông cải xanh, súp lơ, cải bắp và cải bruxen, cung cấp sự bảo vệ, chống lại bệnh ung thư thực quản.
Bên cạnh đó, cần tránh một số loại thực phẩm có khả năng gây ra trào ngược dạ dày thực quản và barrett thực quản (vì đây là hai bệnh lý có nguy cơ cao gây ung thư thực quản). Các loại thực phẩm bạn nên tránh bao gồm: thức ăn cay, các loại thịt đỏ, thức ăn có nhiều axit, các món ăn chiên hoặc béo, sô cô la, đồ uống có cồn như rượu bia, đồ uống có ga
Với những bệnh nhân có bệnh lý khác ở thực quản cần định kỳ 6 tháng – 1 năm nội soi dạ dày thực quản một lần để kiểm soát, phát hiện sớm các biểu hiện của ung thư thực quản, từ đó có phương pháp điều trị sớm đem lại tiên lượng tốt cho bệnh nhân.
Tìm hiểu:
http://benhvienungbuouhungviet.vn/tim-hieu-benh-ung-thu/ung-thu-thuc-quan.aspx |